Ngành F&B là viết tắt của từ “Food and Beverage Service” là các doanh nghiệp kinh doanh bán hàng thực phẩm và đồ uống trên thị trường. Đây được xem là một ngành hàng tiêu dùng rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Việc tái khôi phục, nắm được xu hướng thị trường và duy trì động lực cộng đồng là điều quan trọng đối với quá trình phục hồi của F&B, đặc biệt là trong giai đoạn bình thường mới như hiện nay.
Tổng quan thị trường F&B
Công ty nghiên cứu thị trường BMI cho rằng, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Theo thống kê, ngành F&B đã đóng góp 15,8% vào tổng GDP quốc gia (năm 2021). Tổng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 35% chi tiêu.
Những thay đổi nhanh chóng trong hành vi mua sắm và cách chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch là sự phát triển chóng mặt của ngành thương mại điện tử và nhu cầu gia tăng về trải nghiệm đa kênh liền mạch, nhất quán. Điều này khiến F&B đang là một trong những mảng bán lẻ thành công nhất ở Việt Nam. Ngày càng nhiều nhà hàng, quán ăn được mở ra, đáp ứng nhu cầu ăn uống lớn của khách hàng.
Theo số liệu từ báo cáo của DCorp, nước ta hiện nay có hơn 540.000 cửa hàng bán đồ ăn, thức uống. Trong đó có khoảng 278.424 mô hình quy mô siêu nhỏ, 153.576 quy mô nhỏ, 34.128 quy mô vừa và 73.872 quy mô lớn (năm 2021). Và tất nhiên, những con số trên sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai bởi tiềm năng khai thác vẫn rất lớn.
Triển vọng thị trường F&B Việt Nam
Theo đánh giá từ Colliers, Việt Nam là điểm đến đầu tư sáng giá cho F&B nếu so với với các nước láng giềng Đông Nam Á. Bởi vì Việt Nam có dân số trẻ, năng động, thích ứng nhanh, đang gia tăng và ước tính đạt 105 triệu người vào năm 2030.
Bên cạnh đó, mức chi tiêu của người dân cho các dịch vụ ăn uống cũng nằm ở mức cao với hơn 360 USD/Tháng. Đây là con số cao hơn so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Giới chuyên gia dự báo, trong các quý tới, giá các nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng điều chỉnh giảm. Do đó, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sẽ có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Đặc biệt, ngành F&B Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Những dịch vụ ăn uống sẽ được mở cửa rộng rãi nhờ các chính sách kích cầu du lịch, thu hút du khách. Tất cả sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành F&B nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh ngành nói riêng.
Xu hướng ngành F&B thời gian tới
Hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 đã gây những tác động nặng nề đến các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực F&B. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp với năng lực thích ứng linh hoạt đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế, cơ hội trong nguy nan và chuyển mình nhanh chóng để trụ vững qua sóng gió và phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Kinh doanh hướng đến giới trẻ
Hiện nay, dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 16 – 30 chiếm khoảng 25% tổng dân số cả nước. Với tỷ lệ dân số trẻ cao, sẽ là nguồn lực phát triển lớn, đem lại sự sáng tạo dồi dào cho ngành F&B Việt Nam. Đây sẽ là một nền tảng vững chắc để ngành F&B ngành càng tăng trưởng hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhu cầu ăn uống ở các nhà hàng, quán ăn của giới trẻ không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo đánh giá, giới trẻ từ 15 – 25 tuổi đang là đối tượng khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp F&B cần quan tâm nhiều nhất.
Thực tế cho thấy rằng giới trẻ nước ta luôn sẵn sàng chi một khoản lớn cho các dịch vụ ăn uống. Đây cũng được coi là nhóm đối tượng hàng đầu của các địa điểm kinh doanh đồ ăn, thức uống.
Xu hướng người tiêu dùng đang dần hướng đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe
Những sản phẩm tốt cho sức khỏe là một thị trường mà doanh nghiệp cần có quan tâm và phát triển. Người dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để có thể yên về chất lượng của thức ăn, đồ uống mà mình sử dụng.
Cụ thể, các nhà bán buôn và sản xuất trong ngành F&B có thể kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hoặc có các thành phần tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, kinh doanh các sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn kiêng, điển hình là chế độ ăn kiêng ít muối, không chứa gluten hoặc keto (chế độ ăn giảm giảm lượng carb).
Đồng thời, khách hàng giờ đây đang quan tâm hơn đến những yếu tố về môi trường để đưa ra những lựa chọn phù hợp. Do đó, ngành F&B thời gian tới sẽ tập trung vào những giá trị bền vững hơn, đồng thời mở ra hướng đi mới cho những người trong ngành. Các công ty cần cẩn thận hơn trong quá trình xây dựng thương hiệu, từ khâu tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến việc đóng gói sản phẩm.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt
Sự thay đổi của người tiêu dùng theo thói quen thanh toán hiện đại sẽ là một trong những xu hướng được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển. Trong thời đại chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ vào việc thanh toán khi mua hàng đã dần trở nên phổ biến.
Hiện nay, giới trẻ đã quen thuộc với việc thanh toán qua mã QR, qua ví điện tử trên điện thoại thông minh hoặc các loại thẻ thay vì sử dụng tiền mặt. Các doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn, thức uống đang dần phải ứng dụng nhiều nền tảng tích hợp các phương thức thanh toán phù hợp với xu hướng của thế giới. Đây cũng là một lựa chọn khôn ngoan để tiếp cận với nhiều hơn các đối tượng khách hàng khác nhau.
Xu hướng thương mại điện tử trong ngành F&B
Thương mại điện tử trong ngành F&B đang trên đà phát triển và sẽ tiếp tục mở rộng nhờ mạng kỹ thuật số tinh vi cùng số lượng người mua hàng trực tuyến ngày càng tăng.
Các nhà nghiên cứu dự báo doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm 15-20% trong doanh thu toàn ngành F&B năm 2025. Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy thế hệ Gen Y chiếm 49% tổng số giao dịch mua hàng trực tuyến (một con số dự kiến tăng lên khi dân số tiêu dùng trẻ trưởng thành).
Vì vậy, trong ngành F&B, các nhà bán buôn và nhà sản xuất cần nhận thức các “xu hướng đột phá” một cách rõ ràng và sử dụng chúng để tạo nhiều lợi thế cho mình hơn bằng cách rút ngắn thời gian tiếp thị và quay vòng sản phẩm nhất có thể.
Source: https://viracresearch.com/xu-huong-va-trien-vong-nganh-fb-tu-cuoi-nam-2022-den-2023/
Comments